Quanh chuyện "lì xì" ngày Tết bằng tiền và bằng... chữ! Nghe hai tiếng "lì xì" người ta liền tưởng tới bao giấy màu đỏ, nho nhỏ bằng phần tư trang giấy học trò, bên trong có xếp mấy tờ tiền mới. Vậy hai tiếng "lì xì" ở đâu ra? Nguồn gốc của nó thế nào? Chúng tôi lân la "tầm nguyên" qua các nhà nghiên cứu, hỏi trực tiếp bằng miệng có, giở sách vở các vị có, thấy giải thích hai chữ "lì xì" tựu trung là "tiền mừng tuổi".
Cuốn từ điển thời nay do Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Từ điển học chẳng hạn, mục từ lì xì giải thích: "Lì xì là mừng tuổi (bằng tiền). Tiền lì xì cho các cháu ngày mùng một Tết". "Lì xì" bằng tiền không chỉ giới hạn trong mùng một Tết, mà "liền tù tì" suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài tận những ngày "mùng" cuối cùng của Tết như mùng 9, mùng 10. Theo một số vị mà chúng tôi hỏi chuyện, như cụ Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Ngọc Trảng, Phạm Đan Quế, thì tục mừng tuổi vẫn cứ nên giữ. Nhà nghiên cứu Thông Hội bảo: "Đó là một phần đậm đà của phong vị Tết Việt Nam, đặc biệt đối với trẻ con, khiến trẻ nhớ tới Tết như một thời điểm mở đầu năm mới, đẹp như cổ tích". Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả Dư âm, cứ nên lì xì "miễn là đừng lì xì tiền đô cho trẻ, không đúng chỗ, mà tập hư cho chúng ăn xài". Vũ sư Hoài Nhơn (Trần Trinh Nhơn), con trai lớn của công tử Bạc Liêu (Trần Trinh Huy), thì kể rằng: "Ba tôi mất ngày 21 tháng chạp năm Quý Sửu 1973 ở Sài Gòn. Đầu năm đó, ăn cái Tết cuối cùng, ông còn lì xì tôi mặc dầu tôi đã 27 tuổi. Tôi vẫn không quên cái phong bì màu đỏ ấm áp, biểu lộ tình cảm của một người cha lúc nào cũng nhìn xuống con mình như thời còn nhỏ tại Bạc Liêu". Nhà nghiên cứu Cao Sơn giải thích: - Lì xì tiếng chữ là lợi thị, đọc theo âm Quảng Đông, Triều Châu thành "Lê - i - xị", chỉ số tiền được cho, tặng trong các dịp đầu năm, khai trương và cả trong lễ thành hôn nữa, chứ không bó hẹp trong dịp Tết Nguyên đán.
Bao lì xì ngày Tết
Lì xì nhằm cầu chúc người nhận gặp may mắn, phát đạt. Thường người Tàu bỏ tiền vào bao giấy màu đỏ. Người Việt Nam ta cũng làm tương tự, phổ biến ở miền Nam ngày Tết. Ở miền Trung thì ông bà cha mẹ, người tôn trưởng cho con cháu tiền mới vào dịp Tết gọi là "tiền mừng tuổi". Không chỉ người lớn mừng tuổi con cháu, mà hồi xưa, con cháu phải mừng tuổi ông bà trước. Qua giao thừa, tới sáng sớm mùng một, con cháu bảo nhau tới nhà thờ để chúc Tết và lạy mừng ông bà, cha mẹ. Không chỉ lạy suông, cũng không thể muốn lạy mấy lạy thì lạy, mà theo nhà văn Toan Ánh, chỉ lạy... hai lạy rưỡi. Lạy xong con cháu phải biết "thơm thảo" với đấng sinh thành bằng cách cung kính dâng lên những thứ bánh trái tươi ngon và một phong giấy hồng: Bên trong phong giấy thẳng thớm này có đặt một món tiền, để lên khay tươm tất và hoan hỷ, xin các cụ nhận cho, đó là "tiền mở hàng". Tiền này không nhằm để cất cho nặng hầu bao, mà ngụ ý cầu chúc các cụ quanh năm sung mãn, may mắn. Tục mừng tuổi nay còn đó. Ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, cậu mợ lì xì lớp cháu, con. Bằng hữu thân quyến tới nhà ai chúc Tết lì xì trẻ con của nhà đó. Hoặc chủ nhà đón khách tới chúc Tết lì xì trẻ em đi theo khách. Ý nghĩa chính không nằm ở "tiền" mà ở "tình", tức ở lòng mong ước cầu chúc các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì nặng nhẹ nhiều ít (tiền) không phải là điều đáng để tâm lắm. Thậm chí không có một cắc bạc mà chỉ có... chữ. Chữ viết rõ to, đậm nét để "làm quà" mừng tuổi như chuyện dưới đây.
Con cháu mừng tuổi ông bà
Xưa, có một nhà nọ, nghèo quá, sinh ba đứa con trai. Tết đến người cha không có tiền để lì xì. Chiều ba mươi, ông nghĩ ra một cách, lấy giấy đỏ làm 3 cái phong bì, bề ngoài trông thẳng thớm tươi tắn đỏ thắm như các phong lì xì khác. Nhưng bên trong không bỏ tiền, mà thay bằng 3 miếng giấy được ông viết 3 chữ nắn nót: Phước - Lộc - Thọ. Qua sáng mùng một, người cha gọi 3 đứa con trai đến trước bàn thờ, xoa đầu chúng, tươi cười mừng tuổi chúng bằng 3 cái phong bì nhẹ hẫng, sau khi đã giải thích Phước là gì, Lộc là gì, Thọ là gì... Qua Tết, bước vào năm mới, chẳng ngờ nhà ông phát tài, tiền vô như triều cường. Thoắt cái, lại tới ba mươi tháng chạp. Ý chừng nhớ lại Tết xưa nghèo thiếu, đạm bạc, ông định bụng sẽ tái diễn cách "lì xì" bằng chữ để ba đứa "Phước Lộc Thọ" đừng bao giờ quên rằng, chúng đã được ăn no mặc ấm từ một quá khứ đói rách gần đây. Ai đời, khi nhận phong bì xong, ba đứa con bóc ra, mỗi đứa đều thấy vỏn vẹn chữ Phước, còn hai chữ Lộc Thọ biến đâu mất. Người cha cũng ngạc nhiên không kém. Bốn cha con đang phân vân, bỗng một người từ đâu đến bảo: "Ta là phúc thần của đất này. Chữ Phước đó do ta ban cho. Chỉ cần có nó cũng gồm đủ cả ba: phước, lộc, thọ, vì có phước mới hưởng được lộc, mới thọ lâu. Vì thế chẳng cần phải cầu lộc, cầu thọ, chỉ một chữ phước để mừng tuổi đầu năm là đủ". Nói rồi, biến mất. Nhìn lại phong lì xì, cả bốn cha con sửng sốt một lần nữa vì chữ phước cũng biến mất luôn, trên mặt giấy trống trơn, trắng toát
Tranh Tam Tinh: Phước Lộc Thọ
Bấy giờ vị thần thứ hai hiện ra kể cho bốn cha con nghe một chuyện mừng tuổi xa xưa. Đó là câu chuyện nổi tiếng khắp châu Á, loan truyền qua Tây Tạng và dãy Hy Mã Lạp Sơn, đến cả lưu vực sông Hoàng Hà, Dương Tử của Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam từ lâu đời, về một người cầu phước được phước, trở nên giàu có nhưng hết sức keo kiệt. Ông ta quên những điều tốt đẹp, những ban phát ngọt ngào, rộng lượng mà mình đã làm ở tiền kiếp, vì vậy một mực thâu góp vàng ngọc về riêng mình, trong kiếp này, bỏ vào chiếc hũ, đem chôn ở một vị trí bí mật trong nhà không cho ai hay. Ngay cả con trai của ông cũng không được biết nơi cất giấu. Về già, ông ngã bệnh. Khi chết, linh hồn ông bị hũ vàng ám ảnh, đã quay lại nhà cũ, tìm cách chui vào xác chết cứng lạnh của mình, nhưng bất lực. Thấy vậy, một con chó gần nhà có linh tính đã nhường thể xác hèn mọn của mình cho kẻ giàu có kia trú vào, rồi bay lên không trung thoáng đãng. Còn ông nhà giàu thay thế làm chủ thể xác của con vật bốn chân, thỏa mãn được "sống" lại, dầu với tấm thân thuộc hàng súc sinh như chó. Con chó đó lạ thay suốt ngày không đi đâu cả, cứ nằm lì trước hiên. Mà chỉ nằm ở một nơi nhất định sát cửa ra vào. Hễ người con (bây giờ đã là chủ nhà) đuổi đi, một lát không lâu nó lại quay về chỗ cũ, cứ như rời chỗ ấy là nó rời sự sống của nó vậy. Các phước quả mà nó hưởng là hũ vàng ngọc, giờ đây trở thành điều vô phước cột chặt nó vào tham si. Ngày nọ, một đại sư ngang qua, nói với đứa con: "Này anh kia, anh có biết con chó đó là ai không?". "Dạ thưa không". "Ta nói cho biết, nó chính là cha của ngươi. Vì sao nó nằm lì suốt ngày đêm ở khoảnh đất sát cửa đó? Ấy là vì nó luyến tiếc của cải chôn dưới đất. Hãy đào lên". Người con lấy làm lạ, cho đào thử chỗ con chó thường nằm, thì quả nhiên thấy hũ vàng bên dưới. Bị rúng động vì việc này, người con tỉnh ngộ, từ chối sở hữu số vàng, rời nhà theo vị đại sư lên núi, về sau trở thành một trong những vị tổ đầu tiên của lịch sử Thiền tông. Vị này tỉnh ngộ rằng: nếu làm phước, được phước mà thiếu huệ tức trí huệ sẽ trở nên nguy hiểm ngu si như con chó kia vậy. Được phước, thiếu huệ, thì như nằm trên đống vàng, đống ngọc mà vẫn khổ đau, thiếu thốn, phiền bực. Kể xong, vị thần bảo: "Đó là lý do vì sao ta phải xóa trắng chữ phước trong bao lì xì mừng tuổi của các ngươi. Nó chỉ có ý nghĩa tốt đẹp nếu sinh đôi cùng huệ, bằng không chỉ là động lực cho những cuộc thăng trầm bất tận. Giờ đây ngươi hãy nhìn xem".
Bốn cha con thấy trên bao lì xì hiện lên hai chữ Phước Huệ. Hai chữ này để mừng tuổi cho mọi tâm hồn đã đi qua mùa đông để mở đầu một năm mới thăng hoa.
Tranh Phước Huệ và Cá Chép
Con cá đọc tiếng Tàu là [dũy] đồng âm với chữ DƯ = dư dật / thừa thãi. Do đó, tranh tết vẽ con cá là để chúc nhau có của cải dư dậtTrước kia chỉ có người lớn trong gia đình: ông bà, cha mẹ lì xì cho con cháu lấy may nhưng nay tục lì xì đã được mở rộng. Người ta có thể lì xì vào bất cứ nơi đâu: văn phòng, ngoài quán, cửa sau… Bất cứ lúc nào: sáng, trưa, chiều, tối… như một thứ dầu mỡ bôi trơn cho công việc được trôi chảy.
Riêng lì xì trong bài này chỉ chỉ với ý nghĩa mừng tuổi vào dịp Tết Ta.
Phong bao đựng lì xì trước kia màu đỏ, bên ngoài in hình ba ông Phúc, Lộc, Thọ hoặc chuỗi tiền đồng. Nếu không thì tiền cứ đưa tay cũng được tuy kém sự trang trọng của lễ Tết. Bây giờ phong bao lì xì tân tiến nhiều. Nền có thể màu vàng, màu hồng, màu xanh… hình hoa mai, hoa đào hoặc những câu chúc mừng năm mới chữ Việt. Một số phong bao Hongkong cũng xuất hiện ở Saigon bằng nhung với màu sắc và hình ảnh bắt mắt. Phong bao cũng có nhiều kích cỡ để tờ giấy bạc có thể nguyên hay gấp đôi chứ không gấp tư quá nhỏ như xưa.
Trẻ con ngoài áo mới còn mong lì xì. Thoạt tiên, từ bậc trên tặng xuống vai thấp hơn hoặc đặc biệt người già và trẻ em. Nhân dịp đầu năm, lộc rải đều không bỏ quên ai
Cháu trai cháu gái mừng tuổi ông bà năm mới
Tuy nhiên tục này ngày càng mở rộng. Ai cũng có thể cho và nhận cả. Người dưới có thể lì xì ngược lên cho ông bà, cha mẹ, anh chị… chứ không cần đợi đi xuống. Miễn rủng rỉnh thì rộng tay chứ cứ theo đúng tục xưa nhiều khi cũng khó cho những bậc bề trên không được dư dả.
Ðặc biệt lì xì ngày Tết nên là tiền mới cho nên rục rịch từ đầu Tháng Chạp, mọi người bắt đầu lo đổi tiền. Ai nấy lục lọi trí óc xem những mối quen biết ở ngân hàng, kho bạc, quầy tiết kiệm… tức là những nơi có dính dáng đến việc phát hành tiền.
Vắt óc nghĩ để nhờ mỗi người một ít. Tiền lì xì đẹp nhất là tờ mười ngàn cotton màu đỏ nhưng loại tiền này không còn phát hành nữa. Mọi năm còn đổi được tờ 1,000, 2,000 đồng bằng cotton nhưng năm nay khan hiếm chỉ còn đổi được 10,000, 20,000 polyme. Mặc dù mang tính lấy may đầu năm nhưng nhận lì xì tờ một hay hai ngàn đồng thì cũng không… vui lắm. Bởi vì gửi chiếc xe máy quèn Honda 80 ngoài bãi đã phải trả từ ba đến bốn ngàn thì tờ một, hai ngàn đồng chẳng biết giữ làm chi. Mười hay hai chục ngàn còn có thể uống ly nước mía hay thêm vào đổ xăng…
Những năm trước, không cần có sổ gửi tiền tiết kiệm, mọi người ra ngân hàng có khi cũng đổi được tiền mới. Năm nay mặc dù ngân hàng nhà nước chi nhánh thành phố dự định tung một ngàn tỷ tiền mới ra quầy phát tiền của ngân hàng. Nhưng thực tế ra đó chỉ nhận được những câu trả lời lạnh lùng: “Không có,” “Không biết chừng nào có”…
Tiền lì xì "phải mới & trơn tru ?!"
Những người khá giả ở Sài Gòn lì xì với đồng 2 đô Mỹ để hy vọng tăng thêm may mắn. Vì vậy, người ta đã phải đổi chợ đen với giá đắt hơn giá trị thật của nó rất nhiều. (Hình: Sài Gòn Cô Nương)
Thật khó để các ngân hàng cung cấp tiền mới vì đa số đổi vài ba triệu nhưng có người đổi một lúc hằng năm, mười triệu. Nếu may mắn quen biết, có thể xin đổi một ít từ người có nhiều. Bao nhiêu cũng lấy, chịu khó hỏi khắp nơi, đổi mỗi nơi một chút cuối cùng thế nào cũng đủ.
Miền Bắc có dịch vụ đổi tiền ở thị trường tự do. Tiền lẻ rất hiếm. Tùy theo nhu cầu mà tỷ lệ đổi 80 ăn 100 thậm chí 60 ăn 100… nghĩa là cứ đổi một trăm ngàn thì lấy sáu mươi ngàn. Thường là tiền lẻ hai trăm đồng, năm trăm đồng… Năm nay tỷ lệ đổi ở các khu vực đền miếu ở Hà Nội đắt gấp hai đến ba lần năm ngoái. Miền Nam vẫn chưa thấy có dịch vụ này vì người Nam khi vào đình miếu, bỏ tiền cũ nhưng mệnh giá cao vào thùng phước sương cũng được, chứ không đưa ra những tờ tiền mới toanh nhưng mệnh giá nhỏ tới mức vương vãi khắp nơi mà không ai buồn nhặt.
Lì xì :" càng lớn càng tốt "
Năm nay do tình hình kinh tế khó khăn nên người ta ít đổi loại tiền hai chục hay năm chục ngàn mà chỉ muốn đổi mười ngàn hay giấy năm ngàn. Riêng giấy năm ngàn giờ rất hiếm nên lì xì mười ngàn là giá chót.
Còn không thì đành lì xì bằng tiền cũ nhưng rõ ràng đưa tờ tiền cũ kém vui, “ngày thường” quá, chẳng có chút gì Tết nhất cả. Từ năm trước, Hongkong đã phải phát động phong trào lì xì tiền cũ vì mỗi năm có đến hơn năm nghìn cây bị đốn để sản xuất ra tiền mới nhằm cung ứng cho tập tục lì xì ngày Tết.
Ðổi tiền mới là một trong công cuộc phải làm vào những ngày trước Tết, cũng quan trọng gần bằng việc mua gói bánh chưng, bánh tét, cọ rửa nhà cửa, chùi lư hương, giặt rèm cửa… Việc này cũng khá vất vả vì tìm được nơi đổi tiền nhưng lại không có đủ loại! Tiền nhỏ quá hầu như không còn giá trị trong việc mua sắm mà chỉ dùng phân phát cho số đông hành khất.
Mệnh giá hiện tại 500đ dường như càng ngày càng ít xài
Các mệnh giá tiền "nhỏ" & xưa cũ ....ít ai xài !?
Bởi lì xì ít hay nhiều còn phụ thuộc vào tuổi tác, giai cấp, vai vế, thân sơ, hoàn cảnh… chứ đâu phải ai cũng ngang nhau. Vì thế tiền mới cần phải có đủ mọi mệnh giá từ cao đến thấp để tùy người mà rút ra cho phù hợp!Ðây là một phong tục trong dịp Tết Nguyên Ðán. Hình ảnh đẹp nhất là cảnh ông bà ngồi giữa nhà lì xì cho đám con cháu xúm xít chung quanh cùng câu chúc học giỏi, ngoan ngoãn, may mắn… rồi con cháu người nào đi làm có tiền lì xì lại chúc thọ cho ông bà, cha mẹ, em út… Cứ lì xì qua lại lung tung thật là vui. Cuối cùng tính lại thì cũng huề!
Ai hầu bao không rủng rỉnh thì Tết nằm nhà, chớ lại những nhà đông con nít mà méo mặt. Hoặc khi dắt con theo đi chúc Tết, nhận được phong bao của chủ nhà, làm sao mau chóng ước lượng để trả lại tương đương không thì một bên lại áy náy nhiều hơn hay ít hơn… Cho nên biết điều với nhau thì Tết không nên dắt trẻ con tới nhà ai và ngược lại. Khi có khách đến chơi, nhiều chủ nhà dặn con cháu rút lui đằng sau, đừng có ùa ra chào hỏi, chúc Tết làm chi mà… tội nghiệp cho khách!
Phải biết bao nào bao nhiêu ,nặng ký cỡ nào ?!
Bởi vậy có người cẩn thận bằng cách nhét các xấp phong bao phồng lên trong các túi. Túi quần bên phải đựng phong bao hai ngàn, bên trái năm ngàn, túi áo trái mười ngàn, túi phải hai chục. Riêng năm chục và tiền trăm thì nằm trong ví ở những ngăn khác nhau. Gặp người nào cứ phong bao thích hợp sẵn rút ra. Tưởng cẩn thận đến thế là chắc ăn nào ngờ do nhiều phong bao, nhiều loại tiền để nhiều nơi quá nên có lúc đãng trí đưa nhầm. Về đến nhà nhớ ra lại tiếc vì đáng lẽ người phải lì xì ít lại đưa nhiều, mắc cỡ vò đầu bứt tai vì người cần lì xì nhiều lại đưa ít! Năm sau “rút kinh nghiệm” bằng cách phân loại phong bao to, nhỏ, căn cứ hình vẽ bên ngoài in hình bánh chưng hay quả đào hoặc đánh dấu X hay O cho biết tờ tiền bên trong…
Việc trữ sẵn các loại tiền lì xì rất cần thiết nếu cần ra ngoài ghé nhà này nhà nọ chúc Tết hoặc gặp những trường hợp đột ngột. Một ông ngẫu nhiên buộc phải lì xì nhưng lục túi mãi lại không sẵn tiền nhỏ, thế là đành cười méo mó rút ra tờ năm trăm!
Lũ trẻ con lắm khi lếu láo vì có khi vừa nhận phong bao, chúng hí ra xem rồi xì sầm ngay ít nhiều hoặc thân thiết thì chẳng cần giữ kẽ mà mè nheo ngay khiến người lớn lắm khi bối rối
Dù sao thì nay, lì xì đã biến tướng là hình thức trao đổi có đi có lại… Nếu có mang ơn, mang nghĩa ai thì dịp Tết này là dịp trả ơn bằng tiền lì xì…
Tiền Tết của giáo viên từ nhiều nguồn: quỹ thành phố, quỹ quận, quỹ trường… chỉ có năm trăm ngàn nhưng phải lì xì từ hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng, tổ phó… cho chí ông bảo vệ, cô bảo mẫu trông lớp bán trú… Bù lại, giáo viên nhận được phong bì từ phụ huynh học sinh. Cũng do lạm phát gia tăng nên phụ huynh lì xì tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Cái phong bao cứ thế bù qua sớt lại cho nên nhiều phụ huynh buộc con giao tiền được lì xì để bù cho khoản phải chi ra. Ðó là một khoản thu chi đáng kể nên nhiều bà nội trợ tổng kết tiền lì xì có khi chiếm một phần ba chi phí của Tết.
Tờ nào cho dô ..bao nào đây ?!
Cùng với vàng, đồng đô la lên giá đáng kể nên mấy năm nay có mốt lì xì bằng tiền đô. Ngày Tết ra ngân hàng cũng có thể đổi được ít tờ hai đô. Tính ra tiền Việt chỉ có mấy chục ngàn nhưng do lạ, nên khi đưa ra nhìn thì rất vui mắt.Rắc rối một chút nhưng Tết nhất nhờ có lì xì mà vui hẳn
Thôi thì tôi cũng xin lì xì các bạn 2 tờ này xài tết đỡ vậy =D !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét